Bạn đã từng nghe ai đó mô tả bản thân mình là một INTJ hoặc một ESTP và tự hỏi những chữ cái nghe lạ lẫm đó có ý nghĩa gì không? Những người này đang đề cập đến tính cách cá nhân của họ dựa trên MBTI test.
Vậy MBTI là gì? Có những nhóm tính cách MBTI nào? Cùng tìm hiểu MBTI test từ A đến Z trong bài viết này nhé.
1. MBTI là gì? Tổng quan về MBTI test
MBTI (viết tắt của Myers-Briggs Type Indicator) là phương pháp sử dụng các câu hỏi trắc nghiệm để xác định loại tính cách, điểm mạnh và sở thích của một người. Bài kiểm tra trắc nghiệm này được Isabel Myers và mẹ của bà, Katherine Briggs phát triển, dựa trên nghiên cứu về các loại hình tính cách của Carl Jung.
Bài kiểm tra trắc nghiệm MBTI dựa trên ý tưởng rằng mọi người có cách nhìn nhận thế giới và đưa ra quyết định khác nhau. Ngày nay, MBTI test là một trong những công cụ tâm lý được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới.
2. Những tiêu chí phân loại tính cách MBTI
Bài test MBTI nhằm mục đích phân các cá nhân vào một trong bốn loại dựa trên cách họ nhìn nhận thế giới và đưa ra quyết định, cho phép người trả lời khám phá và hiểu rõ hơn về tính cách của chính họ.
Bài kiểm tra MBTI phân loại tính cách của con người dựa trên 4 tiêu chí:
Hướng ngoại (Extraversion) hoặc hướng nội (Introversion)
Đo lường nguồn năng lượng của một người đến từ đâu. Người hướng ngoại thường tìm kiếm năng lượng từ bên ngoài và thích tham gia các hoạt động xã hội, trong khi người hướng nội thường tận hưởng sự yên tĩnh và có xu hướng tham gia các hoạt động đơn lẻ hoặc nhóm nhỏ.
Thu thập thông tin cụ thể (Sensing, S) hoặc suy luận (Intuition, N)
Tiêu chí này tập trung vào cách mà một người thu thập và xử lý thông tin mới. Có người thích tập trung vào chi tiết cụ thể và thực tế, trong khi những người khác thích làm việc với ý tưởng trừu tượng và tìm kiếm các mô hình và khái niệm.
Ra quyết định dựa trên cảm xúc (Feeling, F) hoặc dựa trên logic (Thinking, T)
Đo lường cách mà một người đưa ra quyết định và đánh giá thông tin. Người logic thường đưa ra quyết định dựa trên logic và các nguyên nhân khách quan, trong khi người cảm tính thường đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc cá nhân.
Phong cách sắp xếp (Judging, J) hoặc phong cách mở đến (Perceiving, P)
Đo lường cách mà một người tiếp cận và tổ chức cuộc sống hàng ngày. Người theo phong cách sắp xếp thường lên kế hoạch cụ thể trước khi bắt đầu công việc, trong khi người theo phong cách mở thích sự linh hoạt và sắp xếp tùy ý.
3. Đặc điểm của 16 nhóm tính cách MBTI
Dưới đây là đặc điểm chi tiết của từng nhóm tính cách MBTI.
3.1. Người trách nhiệm (ISTJ)
Đặc điểm của những người thuộc nhóm ISTJ có thể được mô tả như sau:
Người thuộc nhóm ISTJ có vẻ ngoài nghiêm túc, đứng đắn và trang trọng, có thể khiến người khác sợ hãi. Họ rất tôn trọng các giá trị truyền thống. Mặt khác, họ trầm tính và điềm tĩnh.
Họ thường tỉ mỉ đến từng chi tiết. ISTJ là những người tuân theo quy tắc, luôn có cách tiếp cận hợp lý đối với mục tiêu của mình. Trong các mối quan hệ, họ rất trung thành, tin tưởng bạn bè và người thân trong gia đình.
Ưu điểm:
- Làm việc có tổ chức và trách nhiệm
- Trung thực và đáng tin cậy, luôn giữ lời hứa và tuân thủ nguyên tắc.
- Kiên nhẫn trong việc giải quyết vấn đề
Nhược điểm:
- Quá cứng nhắc dẫn đến khó linh hoạt trong các tình huống đòi hỏi sự thay đổi và sáng tạo.
- Không nhạy cảm, dễ làm tổn thương người khác.
3.2. Người bảo vệ (ISFJ)
Người thuộc nhóm ISFJ rất hào phóng và luôn sẵn sàng đóng góp cho xã hội. Họ là những con người ấm áp và tốt bụng. Họ nhiệt tình và thích giúp đỡ người khác. Trong các mối quan hệ, ISFJ sẽ yêu thương gia đình và bạn bè của họ vô điều kiện.
Ưu điểm:
- Chu đáo và tận tụy trong mọi việc.
- Luôn lắng nghe và đồng cảm với những người xung quanh.
- Nhạy bén và tinh tế trong việc nhận biết tâm trạng và nhu cầu của người khác.
Nhược điểm:
- Quá nhạy cảm và dễ bị tổn thương.
- Khó chấp nhận thay đổi và cần thời gian để làm quen với môi trường mới.
- Không quyết đoán nên thường gặp khó khăn khi đưa ra quyết định
- Do tính cách lo lắng và quan tâm đến người khác, ISFJs có thể dễ căng thẳng và cảm thấy áp lực trong một số tình huống.
3.3. Người cho đi (ENFJ)
ENFJ là những cá nhân lấy con người làm trung tâm. Họ có kỹ năng giao tiếp tài tình, rất giỏi trong việc thiết lập và duy trì quan hệ với những người khác.
Họ đề cao sự trung thực và chân thành, và luôn quan tâm đến cảm xúc của những người xung quanh. Họ phù hợp với những công việc mà họ có thể tạo động lực để người khác phát triển.
Tuy nhiên ENFJ khá hướng nội và không thích đám đông.
Ưu điểm:
- Có khả năng truyền cảm hứng và năng lượng cho những người xung quanh.
- Sẵn lòng hy sinh cho lợi ích của những người họ quan tâm.
- Có tư duy sáng tạo và khả năng lãnh đạo bẩm sinh.
Nhược điểm:
- Quá đặt người khác lên trên bản thân
- Quá nhạy cảm và dễ tổn thương
- Thiếu quyết đoán
- Trong một số trường hợp, ENFJ có thể cảm thấy áp lực về vai trò lãnh đạo và cảm thấy lo lắng về việc không đạt được mong đợi của người khác.
3.4. Người truyền cảm hứng (ENFP)
ENFP có tính cá nhân cao và từ chối sống cuộc sống của mình trong khuôn khổ. Họ cố gắng tạo ra những phương pháp làm việc của riêng mình.
Trong các mối quan hệ, ENFP luôn thể hiện và chia sẻ tình cảm một cách cởi mở. Họ cũng phù hợp với những ngành nghề đòi hỏi sự sáng tạo và giàu trí tưởng tượng.
Ưu điểm:
- Nhiệt huyết trong cả công việc lẫn cuộc sống cá nhân
- Sẵn sàng thử thách bản thân với những điều mới
- Rất giỏi điều hướng các cuộc nói chuyện
Nhược điểm:
- Thiếu kiên nhẫn và dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn hoặc không thấy kết quả ngay lập tức.
- Dễ bị phân tâm và mất tập trung khi có nhiều công việc cùng một lúc.
- Phản ứng mạnh mẽ trước những chỉ trích, căng thẳng.
3.5. Người điều hành (ENTJ)
ENTJ là những nhà lãnh đạo bẩm sinh luôn được mọi người tôn trọng. Họ coi những trở ngại là cơ hội để họ có thể chứng tỏ bản thân. Họ là người theo chủ nghĩa hoàn hảo. Họ không bị cảm xúc chi phối khi đưa ra quyết định.
ENTJ phát triển mạnh trong những công việc phức tạp và đòi hỏi chiến lược mục tiêu rõ ràng. Trong các mối quan hệ, họ có thể đặt kỳ vọng cao ở người mình yêu và đôi khi có thể độc đoán.
Ưu điểm:
- Rất tự tin và quyết đoán trong việc đưa ra quyết định và thực hiện mục tiêu của mình.
- Không ngại bày tỏ ý kiến của bản thân
- Đầy nghị lực và quyết tâm theo đuổi mục tiêu đến cùng.
Nhược điểm:
- Cứng nhắc và ít linh hoạt trong một số tình huống.
- Không quan tâm đến cảm xúc của người khác
- Thể thiếu kiên nhẫn với những người làm việc yếu kém hơn.
- Hay đặt áp lực lên bản thân và người khác để đạt được thành công.
3.6. Người có tầm nhìn (ENTP)
ENTP là người hướng ngoại và luôn cởi mở trong việc khám phá những ý tưởng mới. Họ giao tiếp tốt, nhanh nhẹn, nhạy bén và sáng tạo.
Tuy nhiên, họ không phải là người thích làm việc theo kế hoạch mà họ thích thực hiện công việc theo kiểu freestyle hơn. Ngoài ra họ cũng là người bị ám ảnh bởi những chi tiết nhỏ nhặt.
Ưu điểm:
- Nhanh nhạy, nghĩ ra ý tưởng mới trong khoảng thời gian ngắn.
- Nhiệt tình và luôn tràn đầy năng lượng nếu yêu thích công việc
- Thích học hỏi những điều mới
Nhược điểm:
- Dễ mất tập trung do có quá nhiều ý tưởng
- Thích đưa ra ý tưởng nhưng không giỏi áp dụng vào thực tế
- Thiếu kiên nhẫn và dễ bỏ cuộc.
3.7. Người trình diễn (ESFP)
ESFP thích trở thành tâm điểm của sự chú ý. Họ thích khám phá và học cách chia sẻ những gì họ đã học được với người khác thông qua kỹ năng giao tiếp mạnh mẽ của mình.
Họ rất lạc quan và có khiếu thẩm mỹ tốt. Họ hòa đồng và thích mang lại niềm vui cho mọi người.
Trong các mối quan hệ, ESFP sẽ ưu tiên gia đình và những người thân yêu của họ hơn bất cứ điều gì mặc dù họ cực kỳ không thích một cuộc sống gò bó.
Ưu điểm:
- Không ngần ngại thử nghiệm những điều mới
- Tinh ý và nhạy bén khi giao tiếp với người khác
Nhược điểm:
- Khả năng lập kế hoạch kém
- Khó thực hiện các công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, tập trung.
3.8. Người bảo hộ (ESTJ)
ESTJ là người sống thực tế và luôn sẵn sàng gánh vác những trách nhiệm to lớn. Những người thuộc nhóm tính cách ESTJ luôn cố gắng hết mình để thực hiện công việc. Họ thường rất cẩn thận và chú ý đến các chi tiết, đảm bảo mọi công việc được hoàn thành một cách chính xác và kỹ lưỡng.
Họ thường thích sự ổn định và an toàn trong cuộc sống và công việc, không thích sự thay đổi hoặc rủi ro không cần thiết.
Ưu điểm:
- Cẩn thận và nghiêm túc hoàn thành công việc được giao
- Thẳng thắn và sống có quy tắc
- Trung thực, kiên nhẫn và đáng tin cậy
Nhược điểm:
- Có xu hướng cô lập bản thân khi bị căng thẳng
- Đôi khi khô khan, cứng nhắc khi giải quyết vấn đề.
- Phản ứng thái quá với lỗi sai của người khác
3.9. Người thực thi (ESTP)
ESTP là người thẳng thắn và khá nhanh nhạy trong giao tiếp. Họ thích sự táo bạo và mạo hiểm, họ không ngần ngại dấn thân vào những trải nghiệm mới. Họ là những người thực tế và thích hành động, muốn giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp cụ thể và hiệu quả.
Họ có khả năng thích ứng nhanh chóng với môi trường mới. ESTPs thường có tinh thần tự do và không thích bị ràng buộc bởi luật lệ, quy định.
Ưu điểm:
- Có tinh thần ham học hỏi và tính sáng tạo cao
- Có kỹ năng giao tiếp và kết nối tốt
Nhược điểm:
- Gặp khó khăn khi làm các công việc đòi hỏi sự tập trung cao
- Không có cái nhìn bao quát nên thường bỏ lỡ các chi tiết quan trọng
- Không nghiêm túc tuân thủ các quy tắc.
3.10. Người che chở (INFJ)
INFJ là những người có tầm nhìn xa trông rộng. Họ có thể bị người khác coi là kỳ lạ vì cách họ nhìn nhận cuộc sống. INFJ là những người theo chủ nghĩa lý tưởng, thích tìm hiểu những vấn đề phức tạp.
Họ quan tâm và muốn giúp đỡ người khác phát triển. INFJ là người trung thành, đáng tin cậy. Tuy nhiên, họ lại bị xem là không thực tế, quá khó tính.
Ưu điểm:
- Dễ thấu hiểu và đồng cảm với cảm xúc của người khác.
- Có tư duy chiến lược và nhìn xa trông rộng.
- Tận tụy và sâu sắc trong mọi mối quan hệ, luôn đặt người khác lên hàng đầu và chăm sóc cho họ.
Nhược điểm:
- Tính cách phức tạp của INFJs có thể làm cho họ khó hiểu đối với những người không hiểu rõ về họ, và đôi khi gây ra sự nhầm lẫn hoặc bất đồng ý kiến.
- Dễ bị tổn thương bởi những lời phê bình và chỉ trích.
3.11. Người lý tưởng hóa (INFP)
INFP dè dặt và sống nội tâm. Họ thích dành thời gian một mình ở những nơi yên tĩnh. Họ không thích xung đột và thường tìm cách né tránh các cuộc tranh cãi.
Họ phát triển mạnh trong những công việc đòi hỏi tầm nhìn và phù hợp với mục tiêu/sở thích của họ. Trong các mối quan hệ, họ cần có thời gian để lựa chọn bạn bè.
Ưu điểm:
- Giỏi lắng nghe, dễ gần
- Có tài năng về sáng tạo, phù hợp với những công việc nghệ thuật
Nhược điểm:
- Không thực tế, thiếu tự tin và chịu áp lực kém.
- Cái tôi cá nhân cao nên dễ bị cô lập.
3.12. Nhà khoa học (INTJ)
INTJ là những người hướng nội và cảm thấy thoải mái khi ở một mình. Họ sẽ tránh giao tiếp với những người khác vì nó làm cạn kiệt năng lượng của họ. Họ xuất sắc trong việc lập kế hoạch và chiến lược.
Họ thường thích làm việc một mình. Họ thường đặt ra những yêu cầu cao và họ phù hợp với những vị trí lãnh đạo.
Ưu điểm:
- Thông minh, tự tin, hiểu biết nhiều
- Có mục tiêu rõ ràng
- Quyết đoán trong công việc
Nhược điểm:
- Thường bị xem là lạnh lùng, khó gần và không quan tâm đến cảm xúc của người khác.
3.13. Nhà tư duy (INTP)
INTP nổi tiếng với những ý tưởng và đề xuất tuyệt vời. Họ muốn tìm kiếm một môi trường nơi sự sáng tạo của họ có thể được sử dụng và phát triển.
Những người thuộc nhóm tính cách này không thích làm lãnh đạo. Họ rất yêu bản thân nên chỉ thích làm việc độc lập
Ưu điểm:
- Khả năng phân tích logic và sáng tạo cao
- Tư tưởng cởi mở, sẵn sàng đón nhận những ý tưởng mới
Nhược điểm:
- Nhút nhát khi tham gia các hoạt động tập thể
- Khó thể hiện cảm xúc và giao tiếp với người khác
- Tạo cho người khác cảm giác lạnh lùng, xa cách và thiếu linh hoạt.
3.14. Người nghệ sĩ (ISFP)
ISFP bề ngoài có vẻ là người hướng nội nhưng sâu bên trong họ lại rất ấm áp và thân thiện. Họ rất tự nhiên và vui vẻ khi ở bên cạnh người khác. Họ luôn muốn ra ngoài để khám phá những điều mới.
Các ISFP thích làm việc độc lập, không thích lãnh đạo người khác. Trong các mối quan hệ, họ là người dễ tính. Họ có tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật.
Ưu điểm:
- Thích nghi nhanh với môi trường xung quanh
- Tinh ý, nhạy bén trong giao tiếp
- Là người tạo ra xu hướng, nghĩ ra các ý tưởng độc lạ
- Tài năng nghệ thuật thiên bẩm
Nhược điểm:
- Đôi lúc thiếu tự tin, không quyết đoán
- Dễ trở nên tiêu cực khi gặp xung đột hoặc căng thẳng
- Không có khả năng lên kế hoạch.
3.15. Nhà cơ học (ISTP)
ISTP là nhóm người bí ẩn, có lý trí và có tính logic cao. Họ là chuyên gia che giấu bản chất thật của mình. Họ hiểu rõ và nắm chắc cách hoạt động của các máy móc hay hệ thống kỹ thuật.
Họ phù hợp với những công việc đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật và hoạt động thể chất. Trong các mối quan hệ, họ là những người điềm tĩnh và thích giúp đỡ công việc trong nhà.
Ưu điểm:
- Đáng tin cậy, giỏi giải quyết các tình huống
- Linh hoạt, tự do trong việc lựa chọn phong cách của mình.
- Trí tưởng tượng phong phú
Nhược điểm:
- Lãnh đạm, ít nói
- Dễ nổi cáu nếu bị chỉ trích
- Không quan tâm đến cảm nhận, suy nghĩ của người khác
- Dễ mất tập trung trong thời gian dài.
3.16. Người quan tâm (ESFJ)
ESFJ thường được biết đến là những người hướng ngoại. Họ là những người truyền động lực và thúc đẩy những người xung quanh.
Họ ấm áp, tràn đầy năng lượng. Họ thích lắng nghe và thấu hiểu người khác. Họ có xu hướng làm việc độc lập. Tuy nhiên, ESFJ dễ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc và khó có thể đưa ra các quyết định sáng suốt. .
Ưu điểm:
- Nhạy bén, tinh tế, dễ kết nối với mọi người
- Nghiêm túc khi thực hiện các công việc được giao
Nhược điểm:
- Thiếu quyết đoán, đôi khi chưa linh hoạt và bảo thủ
- Dễ trở nên tiêu cực khi yêu cầu không được người khác đáp ứng
- Luôn muốn kiểm soát những người xung quanh..
4. Ứng dụng của MBTI trong tuyển dụng và quản trị nhân sự
MBTI được ứng dụng trong tuyển dụng và quản trị nhân sự như một công cụ hữu ích để tìm hiểu sâu hơn về tính cách, điểm mạnh, điểm yếu của nhân viên.
Cụ thể trong tuyển dụng nhân sự, MBTI có những ứng dụng sau:
- Hiểu rõ hơn về ứng viên: MBTI có thể giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về tính cách và phong cách làm việc của ứng viên từ các câu trả lời trong MBTI test. Điều này giúp họ dễ dàng xác định xem ứng viên có phù hợp với vị trí và môi trường làm việc hay không.
- Xây dựng đội ngũ nhân viên đa dạng: MBTI có thể giúp tạo ra sự đa dạng trong đội ngũ nhân viên, bằng cách xác định và tận dụng những đặc điểm tính cách khác nhau của mỗi nhân viên.
- Dự đoán hiệu suất công việc: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng có một số mối liên hệ giữa các loại tính cách MBTI và hiệu suất công việc. Do đó, việc sử dụng MBTI có thể giúp dự đoán tiềm năng và hiệu suất của ứng viên trong các vị trí cụ thể.
Đối với phát triển và quản trị nhân sự MBTI cũng phát huy vai trò của mình trong các khía cạnh sau:
- Xây dựng môi trường làm việc tích cực: Hiểu biết về tính cách của mỗi nhân viên thông qua MBTI có thể giúp nhà quản lý tạo ra một môi trường làm việc tích cực và hỗ trợ cho từng cá nhân.
- Phát triển cá nhân: MBTI có thể được sử dụng để xác định các khuynh hướng phát triển cá nhân và nhu cầu đào tạo của nhân viên, giúp họ hiểu và phát triển các kỹ năng cần thiết.
- Tăng cường giao tiếp và làm việc nhóm: Hiểu biết về tính cách của nhân viên thông qua MBTI có thể giúp cải thiện giao tiếp và hiệu suất làm việc nhóm, bằng cách tạo điều kiện cho nhân viên hiểu và tôn trọng quan điểm của nhau.
Trên đây là câu trả lời cho thắc mắc MBTI là gì? Có bao nhiêu nhóm tính cách MBTI? Hy vọng sau khi đọc bài viết này, các bạn sẽ có thể áp dụng MBTI vào việc tìm công việc phù hợp với bản thân.