Kinh nghiệm làm việc là phần nội dung quan trong nhất được nhà tuyển dụng xem xét tỉ mỉ để đánh giá mức độ phù hợp của bạn với vị trí ứng tuyển.
Trong bài viết này, IELTS LangGo sẽ hướng dẫn bạn cách viết kinh nghiệm làm việc trong CV hay và đúng chuẩn để được các nhà tuyển dụng đánh giá cao và dễ dàng vượt qua vòng loại CV nhé.
1. Tại sao cần thể hiện kinh nghiệm làm việc trong CV
Kinh nghiệm làm việc là thông tin quan trọng cần có trong CV giúp nhà tuyển dụng thấy được những nhiệm vụ, công việc mà ứng viên đã làm trước đó.
Trình bày kinh nghiệm làm việc một cách đầy đủ và chuẩn chỉnh sẽ giúp ứng viên chứng minh được sự phù hợp với vị trí ứng tuyển và gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.
Vai trò của kinh nghiệm làm việc trong trong CV:
Đối với ứng viên
- Kinh nghiệm làm việc giúp ứng viên chứng minh rằng họ đã từng đảm nhận các nhiệm vụ tương tự hoặc có các kỹ năng cần thiết cho vị trí đang ứng tuyển.
- Kinh nghiệm làm việc góp phần thể hiện rằng ứng viên không chỉ có kiến thức lý thuyết mà còn biết cách áp dụng kiến thức đó vào thực tế công việc.
- Một CV với kinh nghiệm làm việc phong phú và liên quan trực tiếp đến vị trí ứng tuyển sẽ giúp ứng viên nổi bật giữa hàng trăm, hàng ngàn CV khác.
Đối với nhà tuyển dụng
- Kinh nghiệm làm việc của ứng viên trong CV giúp nhà tuyển dụng có thể dễ dàng nhận diện các kỹ năng và kiến thức chuyên môn của ứng viên nhằm đánh giá xem ứng viên có phù hợp với vị trí đang tuyển hay không.
- Kinh nghiệm làm việc là một tiêu chí quan trọng để nhà tuyển dụng so sánh và đánh giá giữa các ứng viên, từ đó lựa chọn được ứng viên phù hợp nhất cho vị trí cần tuyển.
- Giảm rủi ro tuyển sai người và tránh mất thời gian, tiền bạc vào việc tuyển dụng và đào tạo từ đầu.
2. Cách viết kinh nghiệm làm việc trong CV
Sau đây, IELTS LangGo sẽ hướng dẫn bạn cách trình bày kinh nghiệm làm việc trong CV đầy đủ nội dung quan trọng, làm nổi bật năng lực bản thân của bạn và tạo ấn tượng tốt đối với nhà tuyển dụng nhé.
2.1. Nội dung cần có khi viết phần kinh nghiệm trong CV
Những nội dung chính bạn cần phải nêu ra trong mục kinh nghiệm bao gồm:
- Tên công ty hoặc tổ chức nơi bạn đã làm việc
- Vị trí công việc hoặc chức danh công việc của bạn tại công ty đó
- Thời gian bắt đầu và kết thúc công việc
- Mô tả công việc: Bạn có thể viết một đoạn ngắn mô tả trách nhiệm và công việc bạn đã thực hiện tại các vị trí công việc trước đó
- Thành tựu và đóng góp: Bạn nên liệt kê các thành tựu nổi bật mà bạn đã đạt được trong thời gian làm việc
Ví dụ:
Giáo viên tiếng Anh tại Trường THPT ABC
Tháng 9/2018 – Hiện tại
Mô tả công việc:
- Giảng dạy tiếng Anh cho học sinh từ lớp 10 đến lớp 12, chuẩn bị giáo án và tài liệu giảng dạy.
- Tổ chức các buổi thảo luận nhóm, các hoạt động ngoại khóa và các kỳ thi thử.
Thành tựu và đóng góp:
- Tăng tỷ lệ đỗ kỳ thi tiếng Anh quốc gia của học sinh từ 75% lên 90% trong vòng hai năm.
- Thiết kế và triển khai chương trình học tập kỹ năng mềm bằng tiếng Anh, nhận được phản hồi tích cực từ học sinh và phụ huynh.
2.2. Cách viết kinh nghiệm làm việc cho người đã có kinh nghiệm
Với những bạn đã có nhiều kinh nghiệm, phần kinh nghiệm làm việc trong CV cần thể hiện rõ ràng và chi tiết quá trình phát triển nghề nghiệp của bạn, những kỹ năng bạn đã đạt được và các thành tựu cụ thể.
Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách viết mục kinh nghiệm làm việc trong CV cho người đã có kinh nghiệm.
Bước 1: Xác định thông tin cần thiết
Bên cạnh các thông tin cơ bản như tên công ty, chức danh công việc, thời gian làm việc và mô tả chung công việc thì điểm bạn cần làm nổi bật nhất đó chính là thành tựu đạt được từ các công việc trong quá khứ.
Để thông tin về thành tựu có tính thuyết phục, bạn nên đưa ra các số liệu cụ thể.
Bước 2: Sắp xếp thông tin
Bạn cần sắp xếp phần kinh nghiệm theo thứ tự thời gian từ gần nhất đến xa nhất và ưu tiên những kinh nghiệm có liên quan đến vị trí ứng tuyển.
Bước 3: Sử dụng ngôn ngữ và trình bày CV
Về ngôn ngữ, bạn nên sử dụng ngôn ngữ rõ ràng, ngắn gọn, tập trung vào những thông tin quan trọng nhất tránh viết dài dòng, lan man.
Bạn hãy chú ý sử dụng từ khóa phù hợp với mô tả công việc và có thể sử dụng động từ mạnh để thể hiện năng lực và sự tự tin.
Về hình thức, bạn nên trình bày phần kinh nghiệm một cách rõ ràng, khoa học, sử dụng phông chữ dễ nhìn, cỡ chữ phù hợp.
Ngoài ra, bạn nên chỉnh sửa CV cẩn thận để đảm bảo không có lỗi chính tả hoặc ngữ pháp.
Ví dụ cách viết kinh nghiệm trong CV cho ứng viên đã có kinh nghiệm
Công ty A
Chuyên viên Marketing
Tháng 02/2022 - Tháng 07/2024
Mô tả công việc:
- Phát triển và thực thi chiến lược marketing cho các sản phẩm/dịch vụ của công ty.
- Quản lý các kênh truyền thông marketing như website, mạng xã hội, email marketing.
- Phân tích dữ liệu marketing và báo cáo kết quả.
Thành tựu:
- Tăng doanh thu bán hàng online 20% trong vòng 6 tháng.
- Tăng tỷ lệ chuyển đổi website 15%.
- Tăng lượng người theo dõi mạng xã hội 30%.
2.3. Cách viết kinh nghiệm làm việc trong CV cho người chưa có kinh nghiệm
Với những bạn chưa có kinh nghiệm làm việc thực tế, bạn nên tập trung vào những điểm mạnh và kinh nghiệm học tập, hoạt động ngoại khóa liên quan đến vị trí ứng tuyển. Cụ thể:
- Tập trung vào kinh nghiệm học tập
Bạn hãy nêu bật điểm mạnh học tập của bạn, bao gồm các môn học liên quan đến lĩnh vực ứng tuyển, thành tích học tập nổi bật (như điểm cao, giải thưởng học tập), các dự án nghiên cứu khoa học (nếu có).
Bên cạnh đó, các chứng chỉ liên quan đến lĩnh vực ứng tuyển hoặc các khóa học bạn đã tham gia cũng sẽ giúp bạn chứng minh rằng bạn có những kỹ năng chuyên môn cần thiết cho công việc.
Bạn nên nêu rõ tên chứng chỉ, khóa học, thời gian hoàn thành và đơn vị cấp chứng chỉ/tổ chức đào tạo.
- Đề cập đến các dự án học tập và nghiên cứu
Bạn có thể liệt kê chi tiết các dự án học tập hoặc nghiên cứu bạn đã tham gia, bao gồm tên dự án, vai trò của bạn, mục tiêu dự án, kết quả đạt được và kỹ năng bạn đã áp dụng.
Lưu ý nêu bật những dự án có liên quan đến lĩnh vực ứng tuyển để thể hiện sự am hiểu và đam mê của bạn.
- Liệt kê các hoạt động ngoại khóa
Bạn nên chọn lọc những hoạt động có liên quan đến vị trí ứng tuyển để chứng minh bạn có những phẩm chất phù hợp với công việc.
Mô tả vai trò và trách nhiệm của bạn trong các hoạt động ngoại khóa và tình nguyện một cách cụ thể.
- Đưa vào các kỹ năng liên quan
Bạn có thể liệt kê tất cả các kỹ năng mềm và kỹ năng cứng bạn có, ví dụ như: tin học văn phòng, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, v.v. và lưu ý nêu bật những kỹ năng phù hợp với yêu cầu của vị trí ứng tuyển.
Ngoài ra, về cách trình bày kinh nghiệm làm việc trong CV bạn cũng cần lưu ý những điều sau:
- Sắp xếp thông tin theo thứ tự logic và dễ hiểu
- Sử dụng ngôn ngữ súc tích, rõ ràng và chuyên nghiệp, tránh viết lan man, dài dòng
- Chỉnh sửa CV cẩn thận để đảm bảo không có lỗi chính tả hoặc ngữ pháp
Bằng cách làm theo những hướng dẫn trên, bạn có thể xây dựng một mục kinh nghiệm làm việc ấn tượng trong CV, ngay cả khi bạn chưa có kinh nghiệm làm việc thực tế.
Ví dụ về cách viết kinh nghiệm làm việc trong CV cho người chưa có kinh nghiệm
Kinh nghiệm Học tập
Đại học XYZ
Chuyên ngành: Khoa học Máy tính
Tháng 9/2018 – Tháng 6/2022
- Học các môn chuyên ngành về lập trình, cơ sở dữ liệu, mạng máy tính, và trí tuệ nhân tạo.
- Đạt điểm trung bình GPA 3.8/4.0.
Dự án học tập
Phát triển Ứng dụng Quản lý Công việc
Tháng 1/2021 – Tháng 4/2021
- Xây dựng ứng dụng quản lý công việc sử dụng ngôn ngữ lập trình Python và framework Django.
- Thực hiện chức năng quản lý công việc, lịch trình và gửi thông báo nhắc nhở qua email.
- Dự án đạt điểm A và được giảng viên đánh giá cao về tính ứng dụng thực tế.
Kỹ năng
- Lập trình: Python (thành thạo), Java (khá)
- Quản lý dự án: Agile, Scrum
- Kỹ năng mềm: Giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề
Chứng chỉ
Lập trình Python Cơ bản
Tổ chức cấp chứng chỉ: Coursera
Tháng 7/2021
Hoàn thành khóa học về lập trình Python cơ bản, học cách sử dụng các cấu trúc dữ liệu, hàm, và làm việc với các tệp tin.
3. Quy trình viết kinh nghiệm việc làm trong CV hiệu quả nhất
Để có thể xây dựng được cách trình bày mục kinh nghiệm làm việc trong CV thì bạn hãy thực hiện theo các bước dưới đây:
Bước 1: Xem lại sơ yếu lý lịch hiện tại của bạn
Bạn cần xem lại kinh nghiệm làm việc hiện tại, đồng thời phân tích những điểm tương đồng và khác biệt giữa các công việc bạn đã từng làm và công việc ứng tuyển.
Từ đó, bạn hãy xác định kỹ năng và kinh nghiệm quan trọng nhất cũng như những thành tựu nổi bật và kỹ năng nào bạn muốn nhấn mạnh trong CV mới.
Bước 2: Highlight các mô tả công việc
Bạn nên xác định những từ khóa quan trọng trong mô tả công việc của vị trí ứng tuyển. Sau đó highlight những từ khóa tương ứng trong mô tả công việc của bạn trong CV.
Bước 3: Lập danh sách các thành tựu trong quá khứ
Bạn có thể liệt kê tất cả những thành tựu nổi bật bạn đạt được trong công việc trước đây, bao gồm cả những thành tựu định lượng (như tăng doanh thu, giảm chi phí) và định tính (như cải thiện quy trình làm việc, nâng cao mức độ hài lòng của khách hàng).
Bước 4: Lồng ghép những kết quả/thành tựu vào mô tả công việc
Bạn nên đưa thành tích đạt được vào phần mô tả công việc trong CV của bạn và lưu ý nêu bật những thành tựu có liên quan đến vị trí ứng tuyển.
Bước 5: Chỉnh sửa Format trình bày
Bạn cần đảm bảo CV của bạn được trình bày rõ ràng, sử dụng phông chữ dễ nhìn và cỡ chữ phù hợp. Đặc biệt bạn cần kiểm tra kỹ lưỡng CV để đảm bảo không có lỗi chính tả hoặc ngữ pháp.
4. 9 lưu ý khi viết kinh nghiệm làm việc trong CV
Dưới đây là 9 lưu ý quan trọng khi viết phần kinh nghiệm làm việc trong CV để đảm bảo rằng bạn tạo ấn tượng mạnh mẽ và chuyên nghiệp với nhà tuyển dụng:
1 - Trình bày ngắn gọn, súc tích, ấn tượng
Bạn nên viết các mô tả công việc và thành tựu một cách ngắn gọn, tránh dài dòng. Sử dụng các câu ngắn và rõ ràng để truyền tải thông tin một cách hiệu quả.
Ví dụ:
- Không nên: Tôi đã tham gia vào nhiều dự án khác nhau và hoàn thành chúng đúng thời hạn với chất lượng cao.
- Nên: "Hoàn thành nhiều dự án đúng hạn với chất lượng cao.
2 - Sắp xếp kinh nghiệm theo thứ tự thời gian từ gần đến xa
Bạn có thể liệt kê các công việc từ công việc gần đây nhất đến các công việc trước đó.
Ví dụ:
- 2021 – Hiện tại: Quản lý Dự án tại ABC Corp
- 2018 – 2021: Chuyên viên Marketing tại XYZ Ltd
3 - Nên dùng động từ mạnh trong mô tả công việc
Bạn nên sử dụng các động từ mạnh để mô tả công việc và thành tựu của bạn như "tăng cường", "phát triển", "tối ưu hóa" giúp phần mô tả công việc của bạn mạnh mẽ và ấn tượng hơn.
Ví dụ:
- Không nên: Chịu trách nhiệm dự án.
- Nên: Quản lý dự án, tăng cường hiệu quả làm việc nhóm
4 - Đừng quên bằng cấp và thành tựu
Bạn hãy liệt kê các bằng cấp, chứng chỉ và các thành tựu nổi bật liên quan đến công việc. Điều này chứng minh năng lực và chuyên môn của bạn.
Ví dụ:
- Nhận bằng Cử nhân Quản trị Kinh doanh từ Đại học XYZ.
- Đạt giải Nhân viên xuất sắc nhất năm 2020.
5 - Đính kèm Portfolio (nếu có)
Nếu bạn có Portfolio hoặc các tài liệu minh chứng khác thì hãy cung cấp liên kết để nhà tuyển dụng xem. Portfolio đặc biệt quan trọng trong các ngành như thiết kế, viết lách, phát triển web, …
6 - Sử dụng từ chuyên ngành ứng tuyển
Sử dụng các thuật ngữ chuyên ngành sẽ thể hiện sự hiểu biết và chuyên môn của bạn. Giúp nhà tuyển dụng thấy được bạn có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực đó.
Ví dụ:
- Trong ngành IT: Phát triển ứng dụng với ngôn ngữ Python và JavaScript.
- Trong ngành marketing: Quản lý chiến dịch SEO và SEM.
7 - Nên đưa vào những con số
Bạn nên sử dụng số liệu cụ thể để minh họa thành tựu và hiệu quả công việc của mình để làm tăng tính thuyết phục
Ví dụ:
- Tăng doanh thu dự án lên 30% trong một năm.
- Giảm chi phí vận hành 20% bằng cách tối ưu hóa quy trình.
8 - Chú ý số lượng
Bạn không nên liệt kê quá nhiều công việc, chỉ liệt kê từ 3-5 công việc gần đây và có liên quan nhất đến vị trí ứng tuyển.
9 - Lựa chọn kinh nghiệm dựa theo mô tả công việc
Bạn hãy đọc kỹ mô tả công việc và lựa chọn kinh nghiệm làm việc liên quan đến các yêu cầu và nhiệm vụ đã được liệt kê.
Ví dụ như công việc yêu cầu kỹ năng quản lý dự án, hãy nhấn mạnh kinh nghiệm quản lý dự án của bạn.
5. Mẫu viết kinh nghiệm việc làm trong CV cho từng vị trí cụ thể
Sau khi đã nắm được cách viết kinh nghiệm làm việc trong CV, các bạn hãy tham khảo một số mẫu kinh nghiệm làm việc cho từng vị trí công việc cụ thể dưới đây nhé.
Mẫu kinh nghiệm nhân viên Sales:
Công ty A Nhân viên kinh doanh Tháng 02/2022 - Tháng 07/2024 ● Trách nhiệm: ○ Tư vấn và bán sản phẩm/dịch vụ cho khách hàng. ○ Xây dựng và duy trì mối quan hệ với khách hàng. ○ Phân tích thị trường và đề xuất chiến lược bán hàng. ○ Báo cáo doanh thu bán hàng. ● Thành tựu: ○ Đạt danh hiệu "Nhân viên bán hàng xuất sắc" 2 lần. ○ Tăng doanh thu bán hàng cá nhân 15% mỗi năm. ○ Mở rộng thị trường sang 2 tỉnh/thành phố mới. ○ Giữ chân khách hàng 90%. |
Mẫu kinh nghiệm nhân viên tư vấn tuyển sinh
Trường Đại học B Nhân viên tư vấn tuyển sinh Tháng 06/2020 - Tháng 01/2022 ● Trách nhiệm: ○ Tư vấn cho học sinh về các chương trình đào tạo của trường. ○ Xử lý hồ sơ đăng ký nhập học. ○ Tổ chức các hoạt động tư vấn tuyển sinh. ○ Tham gia các hội chợ giáo dục. ● Thành tựu: ○ Góp phần tăng số lượng thí sinh đăng ký nhập học vào trường 10%. ○ Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển đạt 95%. ○ Nhận được đánh giá cao từ học sinh và phụ huynh học sinh. |
Mẫu kinh nghiệm Giáo viên IELTS
Trung tâm Anh ngữ C Giáo viên IELTS Tháng 09/2018 - Hiện tại ● Trách nhiệm: ○ Dạy các lớp học IELTS cho học viên ở mọi trình độ. ○ Thiết kế và xây dựng giáo án giảng dạy. ○ Đánh giá và theo dõi tiến độ học tập của học viên. ○ Tư vấn cho học viên về phương pháp học tập hiệu quả. ● Thành tựu: ○ Giúp học viên đạt điểm cao trong kỳ thi IELTS (trung bình 7.5). ○ Nhận được đánh giá cao từ học viên và ban giám hiệu trung tâm. |
Mẫu kinh nghiệm nhân viên Content Marketing:
Công ty D Nhân viên Content Marketing Tháng 03/2021 - Tháng 08/2023 ● Trách nhiệm ○ Viết bài viết cho website, blog, mạng xã hội. ○ Tối ưu hóa nội dung cho SEO. ○ Phân tích hiệu quả content marketing. ○ Đề xuất chiến lược content marketing. ● Thành tựu ○ Tăng lượng truy cập website 20% trong vòng 6 tháng. ○ Tăng tỷ lệ chuyển đổi website 10%. ○ Tăng tương tác trên mạng xã hội 15%. ○ Góp phần xây dựng thương hiệu cho công ty. |
Mẫu kinh nghiệm làm việc cho sinh viên mới ra trường - ứng tuyển trợ giảng
Đại học XYZ Trợ giảng Tháng 3/2023 - Tháng 5/2023 ● Trách nhiệm ○ Hỗ trợ giảng viên trong công tác giảng dạy môn Toán cho sinh viên năm 1. ○ Chuẩn bị bài giảng, tài liệu và các phương tiện giảng dạy. ○ Hướng dẫn sinh viên thực hành bài tập, giải đáp thắc mắc và ôn tập kiến thức. ○ Chấm bài tập và đánh giá kết quả học tập của sinh viên. ○ Tham gia các hoạt động hỗ trợ học tập khác cho sinh viên. ● Thành tựu ○ Giúp đỡ sinh viên nắm vững kiến thức và đạt kết quả cao trong các bài kiểm tra. ○ Tạo bầu không khí học tập tích cực và thu hút sinh viên tham gia, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của môn Toán. ○ Nhận được đánh giá cao từ giảng viên và sinh viên về chất lượng hỗ trợ giảng dạy. |
IELTS LangGo hy vọng bài viết này đã giúp bạn biết cách viết kinh nghiệm làm việc trong CV một cách đầy đủ, thuyết phục để tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
Chúc bạn chinh phục được vị trí công việc mơ ước.aa