Những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn xin việc thường có các motip chung, vậy làm thế nào để bạn có thể trả lời một cách chuyên nghiệp và khiến nhà tuyển dụng hài lòng?
Trong bài viết này, IELTS LangGo sẽ hướng dẫn bạn cách trả lời 30 câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn xin việc chuyên nghiệp nhất giúp bạn có được buổi phỏng vấn thuận lợi.
Tham khảo ngay để bỏ túi cho mình những bí kíp khi đi phỏng vấn xin việc nhé!
Tại sao cần chuẩn bị cho các câu hỏi phỏng vấn thường gặp khi xin việc
Việc chuẩn bị câu trả lời cho các câu hỏi phỏng vấn xin việc đóng vai trò đặc đặc biệt quan trọng vì điều đó sẽ giúp bạn:
- Tăng sự tự tin
Khi bạn đã chuẩn bị sẵn câu trả lời cho các câu hỏi phỏng vấn thường gặp, bạn sẽ cảm thấy tự tin và thoải mái hơn khi trả lời các câu hỏi của nhà tuyển dụng.
Sự tự tin sẽ giúp bạn thể hiện bản thân tốt hơn và tạo ấn tượng với người phỏng vấn.
- Trả lời câu hỏi một cách trôi chảy và mạch lạc
Việc chuẩn bị sẵn câu trả lời sẽ giúp bạn sắp xếp ý tưởng và trình bày thông tin một cách trôi chảy và mạch lạc. Điều này sẽ thể hiện rằng bạn là một ứng viên có khả năng giao tiếp và diễn đạt tốt.
- Thể hiện sự chuyên nghiệp
Những câu trả lời tốt, rành mạch, đủ ý sẽ góp phần thể hiện sự chuyên nghiệp và nghiêm túc của bạn trong việc ứng tuyển cũng như trong buổi phỏng vấn.
Sự chuyên nghiệp sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng và tăng khả năng được nhận vào làm việc.
30 câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn xin việc và cách trả lời
Dưới đây là 30 câu hỏi phỏng vấn xin việc thông dụng nhất mà bạn có thể gặp khi ứng tuyển ở vị trí công việc nào đó. Bạn hãy tham khảo các câu trả lời để có được một buổi phỏng vấn thuận lợi nhé.
1. Hãy giới thiệu về bản thân mình
Đây thường là câu hỏi đầu tiên được hỏi trong một cuộc phỏng vấn, vì vậy câu trả lời cho câu hỏi này đóng vai trò như phần giới thiệu về bạn. Bạn hãy chắc chắn rằng phần giới thiệu của mình phù hợp với vị trí bạn đang ứng tuyển.
Điều bạn nên hướng tới khi trả lời câu hỏi này là thể hiện mình là ứng viên phù hợp cho công việc mà mình đang ứng tuyển.
Với câu hỏi này, các nhà tuyển dụng không tìm kiếm câu chuyện cả cuộc đời bạn mà họ đang tìm kiếm một ứng viên có thể phục vụ tốt nhất cho công ty của họ.
Phần giới thiệu bản thân của bạn nên bao gồm các nội dung sau:
- Giới thiệu ngắn gọn về bản thân: Bạn tên gì? Bạn đã làm [nghề] được bao lâu rồi?
- Bạn yêu thích gì về công việc?
- Một vài thành tích nổi bật liên quan đến vị trí mà bạn đang ứng tuyển.
Ví dụ:
Xin chào! Tên tôi là A và tôi đã làm trưởng phòng Marketing hơn 3 năm ở Công ty B. Tôi tốt nghiệp Đại học C chuyên ngành Digital Marketing nên có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực này.
Trong quá trình làm việc, tôi đã đạt được một số thành tựu góp phần giúp công ty kinh doanh hiệu quả hơn.
Tại Công ty B, tôi đã triển khai một số chiến dịch Marketing về sản phẩm mới, giúp tăng độ nhận diện thương hiệu và doanh thu từ Marketing tăng 200% so với trước đó …
Xem thêm: Cách giới thiệu bản thân khi phỏng vấn giúp bạn nắm chắc phần thắng
2. Làm thế nào bạn biết đến vị trí này?
Mặc dù đây có vẻ là một câu hỏi đơn giản nhưng bạn nên tận dụng câu hỏi này để thể hiện sự quan tâm của mình đối với công ty.
Nếu ai đó trong công ty nói với bạn về vị trí việc làm hoặc đề nghị bạn ứng tuyển thì hãy đề cập đến điều đó. Bạn sẽ có cơ hội trúng tuyển cao hơn nhiều nếu người đó đáng tin cậy và có thể chứng minh kỹ năng của bạn.
Bên cạnh đó, bạn hãy cho nhà tuyển dụng biết điều gì khiến bạn có hứng thú với vị trí công việc mà bạn ứng tuyển.
Ví dụ:
Tôi đã biết đến [Tên công ty ứng tuyển] từ lâu - Tôi rất hâm mộ các sản phẩm công nghệ đến từ của bạn. Tôi có niềm đam mê với các công ty trong việc tạo ra các phần mềm, công nghệ hiện đại và tôi rất muốn trở thành một phần của nơi tạo dựng ra những niềm đam mê đó.
Tôi nghe được từ ….., là đồng nghiệp cũ và bạn đại học của tôi, rằng [Công ty đang ứng tuyển] đang tìm kiếm một chuyên gia mới trong lĩnh vực công nghệ.
Anh ấy khuyến khích tôi nộp đơn và nói rằng kinh nghiệm về công nghệ và phần mềm tại [Công ty cũ] sẽ hữu ích cho [Công ty mới đang ứng tuyển].
3. Tại sao bạn muốn làm việc ở đây?
Khi gặp câu hỏi như thế này từ nhà tuyển dụng, bạn không nên trả lời rằng “tôi đam mê làm việc để không chết đói” hoặc “tôi cần tiền và công ty các bạn có mức lương cao”... những câu trả lời như vậy sẽ khiến bạn bị loại ngay lập tức.
Với câu hỏi này, điều người phỏng vấn đang tìm kiếm ở đây là xem bạn đam mê công việc hoặc công ty đến mức nào bởi điều đó sẽ tạo động lực giúp bạn làm việc hiệu quả hơn.
Khi bạn đang nói chuyện với một người đam mê điều gì đó, bạn có thể cảm thấy họ tỏa sáng khi nói chuyện. Và nếu bạn là giám đốc nhân sự đã phỏng vấn hàng trăm người thì đây là một điểm cộng để tuyển dụng ứng viên. Vì vậy, bạn hãy tận dụng câu hỏi này để tạo lợi thế cho mình.
Với câu hỏi này, câu trả lời của bạn nên nêu rõ 2 ý:
- Điều gì đã thúc đẩy bạn ứng tuyển vào vị trí này, cụ thể là gì?
- Tại sao lại là công ty này? Bạn đã từng nghe nói về họ trước đây chưa?
Ví dụ:
Tôi luôn muốn tham gia vào lĩnh vực Marketing. Đã từng làm công việc liên quan đến Marketing tại …, nhưng tôi chưa có cơ hội làm việc trong môi trường chuyên nghiệp hơn.
Tuy nhiên, tôi tin rằng mình có đủ những kỹ năng phù hợp để bắt đầu với các công việc liên quan đến Marketing trên các nền tảng khác như Facebook, Tiktok, …
Vì vậy, tôi nghĩ rằng kỳ thực tập tại [Công ty X] sẽ là một khởi đầu tuyệt vời cho sự nghiệp trong ngành Marketing của tôi.
4. Điểm mạnh của bạn là gì?
Có hai câu trả lời bạn có thể đưa ra để trả lời câu hỏi này đó là:
- Điểm mạnh thực sự của bạn là gì?
- Bạn nghĩ người quản lý tuyển dụng hoặc đại diện nhân sự muốn nghe điều gì?
Tuy nhiên, lời khuyên bạn là nên chọn cách trả lời đầu tiên.
Đối với câu hỏi này, bạn chỉ nên giới hạn trong tối đa 3 điểm mạnh. Chọn 1 hoặc 2 kỹ năng sẽ giúp bạn thực sự xuất sắc trong công việc và 1 hoặc 2 kỹ năng cá nhân ít liên quan hơn.
Sau khi nêu điểm mạnh của mình, bạn hãy đưa thêm các thông tin bổ sung như một tình huống hoặc câu chuyện cho thấy điểm mạnh đó đã mang lại lợi ích cho bạn trong công việc như thế nào.
Đây là một trong những câu hỏi phỏng vấn phổ biến nhất hiện nay, vì vậy hãy đảm bảo rằng bạn đã chuẩn bị sẵn sàng trước khi bước vào buổi phỏng vấn.
Ví dụ:
Điểm mạnh lớn nhất của tôi là tôi có thể làm việc hiệu quả trong các tình huống căng thẳng hay áp lực.
Trong thời gian làm quản lý sự kiện tại Công ty A, phòng chúng tôi chịu trách nhiệm tổ chức một hội nghị CNTT cho một khách hàng. Dù đã chuẩn bị rất cẩn thận nhưng, không may có một số trục trặc phát sinh vào phút cuối:
Một số diễn giả báo không thể tham dự và công ty cung cấp dịch vụ ăn uống cho biết họ sẽ đến muộn trong giờ nghỉ trưa. Không những thế, chúng tôi thiếu nhân lực vì 2 người tổ chức tình nguyện của chúng tôi bị ốm và không thể có mặt.
Vào thời điểm đó, mọi thứ có vẻ đang gặp tình trạng tồi tệ đến mức chúng tôi đã cân nhắc việc hủy bỏ hoặc hoãn lại sự kiện. Tuy nhiên, tôi đã chủ động giải quyết từng vấn đề một và giúp sự kiện diễn ra như kế hoạch.
5. Điểm yếu của bạn là gì?
Mục đích của câu hỏi này là để nhà tuyển dụng đánh giá mức độ tự nhận thức, trung thực, và khả năng cải thiện bản thân của bạn. Do đó, bạn nên thừa nhận điểm yếu của mình và đưa ra những giải pháp mà bản thân bạn đã thực hiện để cải thiện hoặc khắc phục.
Ví dụ:
Điểm yếu của tôi là khả năng thuyết trình trước đám đông. Tôi thường cảm thấy lo lắng và run khi phải nói trước nhiều người.
Tuy nhiên, tôi đã nhận thức được điểm yếu này và đang tham gia một khóa học kỹ năng thuyết trình để cải thiện. Tôi tin rằng với sự nỗ lực của mình, tôi sẽ có thể khắc phục được điểm yếu này và thuyết trình tự tin và hiệu quả hơn.
6. Bạn biết gì về công ty/tổ chức này?
Với câu hỏi này bạn có thể tìm kiếm nhanh trong trang “Giới thiệu” về công ty/tổ chức mà bạn đang ứng tuyển, ngoài ra, hiện nay nhiều công ty sử dụng nhiều kênh truyền thông khác nhau trên mạng xã hội và bạn có thể tìm hiểu thêm.
Trên thực tế, bạn càng thực sự biết nhiều về công ty thì cơ hội được tuyển dụng của bạn càng cao. Bạn hãy thử tưởng tượng 2 ứng viên có năng lực ngang nhau:
- Một người không đặc biệt quan tâm nhiều đến công ty của bạn và chỉ nộp đơn vì họ biết bạn trả lương cao.
- Một người khác đã theo dõi blog công ty của bạn từ lâu, yêu thích sản phẩm của bạn và có một số bạn bè đang làm việc trong công ty.
Nếu là nhà tuyển dụng, bạn sẽ chọn người nào? Tất nhiên là người thứ hai.
Vì vậy, với câu hỏi này, bạn cần phải thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn thực sự quan tâm và mong muốn được làm việc tại công ty.
Một số thông tin về công ty mà bạn nên tìm hiểu trước cuộc phỏng vấn bao gồm:
- Sản phẩm hoặc dịch vụ của họ làm gì?
- Sản phẩm/dịch vụ có tác động gì?
- Văn hóa công ty như thế nào?
- Những tin tức mới nhất về công ty là gì? Họ đang hoạt động thế nào? Và hầu như bất kỳ loại thông tin nào khác mà bạn có thể khai thác được.
7. Tại sao chúng tôi nên tuyển dụng bạn?
Đây là câu hỏi bạn cần thể hiện sự khiêm tốn nhất nhưng vẫn cần nêu ra giá trị bản thân. Vậy làm thế nào để bạn thể hiện giá trị của mình nhưng không cố tỏ ra kiêu ngạo hoặc tự ti?
Lưu ý đầu tiên là bạn đừng nên đề cao bản thân quá mức: “Tôi là người bán hàng giỏi nhất mà bạn từng gặp!”
Thay vào đó, bạn nên nói rằng: Tôi rất phù hợp với vị trí này vì (…) và nói về kinh nghiệm cũng như thành tích của bạn.
Dưới đây là 3 nội dung bạn có thể đề cập:
- Bạn cực kỳ đam mê làm việc cho công ty như thế nào (và tại sao).
- Kỹ năng của bạn phù hợp với yêu cầu của họ như thế nào.
- Bạn sẽ giúp công ty giải quyết các vấn đề hiện tại của họ như thế nào. Cải thiện số liệu, thiết lập quy trình, v.v.
8. Thành tựu tuyệt vời nhất của bạn là gì?
Với câu hỏi này bạn hãy trả lời ngắn gọn, súc tích, tập trung vào những điểm chính. Bạn nên sử dụng ngôn ngữ rõ ràng, dễ hiểu, phù hợp với bối cảnh của công ty và thể hiện sự tự tin, nhiệt tình và chuyên nghiệp.
Ví dụ:
Thành tựu: Tăng doanh số bán hàng cho dự án X lên 20% trong vòng 3 tháng.
"Thành tựu mà tôi tự hào nhất là khi tôi đã thành công trong việc tăng doanh số bán hàng cho dự án X lên 20% trong vòng 3 tháng.
Lúc đó, dự án X đang gặp khó khăn trong việc thu hút khách hàng. Sau khi phân tích thị trường và nhu cầu khách hàng, tôi đã đề xuất một số thay đổi trong chiến lược bán hàng, bao gồm:
- Cải thiện chất lượng sản phẩm.
- Tăng cường các hoạt động marketing.
- Đưa ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
- Nhờ những thay đổi này, doanh số bán hàng của dự án X đã tăng lên 20% trong vòng 3 tháng.
Thành tựu này đã giúp tôi khẳng định được năng lực của bản thân trong việc phân tích thị trường, xây dựng chiến lược marketing và quản lý dự án.
Tôi tin rằng với những kinh nghiệm này, tôi có thể đóng góp tích cực cho sự phát triển của công ty.”
9. Bạn đang tìm kiếm điều gì từ một vị trí mới?
Đầu tiên, bạn hãy nhìn câu hỏi này từ quan điểm của nhà tuyển dụng: Liệu họ có tuyển dụng một ứng viên trả lời rằng: “Tôi tìm kiếm một công việc với mức lương tốt.”
Với câu trả lời này, nhà tuyển dụng có thể hiểu rằng nếu có thời điểm ứng viên nhận được lời đề nghị trả lương cao hơn, họ sẽ chuyển việc và công ty thì không hề muốn tuyển một ứng viên không gắn bó với công ty.
Thay vào đó, bạn hãy giải thích với người phỏng vấn rằng công việc này ở công ty hoàn toàn phù hợp với bạn. Bạn nên đề cập đến mục tiêu nghề nghiệp ngắn hạn và dài hạn của bạn là gì và vị trí này liên quan đến chúng như thế nào.
Ví dụ:
Tôi đang tìm cách áp dụng thêm các kỹ năng học máy mà tôi đã phát triển trong hơn 2 năm làm việc tại [Startup X]. Ở đó, tôi từng thiết kế mô hình quảng cáo có lập trình.
Bây giờ, tôi đang tìm kiếm cơ hội làm việc trong một dự án quy mô lớn hơn liên quan đến việc thiết lập quảng cáo có lập trình cho đối tượng hơn 10 triệu người.
Tôi tin rằng làm việc với một dự án quy mô lớn như vậy sẽ cho phép tôi tiến bộ nhanh hơn đáng kể trong sự nghiệp của mình.
10. Bạn lập kế hoạch như thế nào để đạt được mục tiêu nghề nghiệp của mình?
Việc bạn có mục tiêu sẽ giúp cho người phỏng vấn thấy rằng bạn có tham vọng và có suy nghĩ trước. Việc bạn lập kế hoạch về cách đạt được mục tiêu sẽ thể hiện động lực bản thân cũng như kỹ năng tổ chức và quản lý thời gian của bạn.
Cuối cùng, việc bạn đã hoàn thành các mục tiêu trước đây mà bạn đặt ra cho bản thân là bằng chứng về khả năng theo đuổi đến cùng của mình.
Nói chung, đây là những dấu hiệu cho thấy bạn không chỉ đặt ra và đạt được các mục tiêu của riêng mình mà còn có thể giúp sếp, nhóm và công ty tương lai của bạn điều tương tự.
11. Bạn thấy mình ở đâu sau 5 năm nữa?
Động cơ đằng sau câu hỏi này là để người phỏng vấn có thể đánh giá xem bạn có phải là người đầy tham vọng hay không và liệu bạn có những kỳ vọng thực tế cho sự nghiệp của mình hay không.
Bạn hãy suy nghĩ thực tế về bước tiếp theo sau khi nhận vị trí này là gì và liệu bạn có thể đạt được vị trí đó trong công ty mà bạn đang ứng tuyển hay không.
Ví dụ:
Trong vòng 5 năm tới, tôi muốn đạt được vị trí Chuyên gia tư vấn kinh doanh cấp cao. Trong thời gian này tôi mong muốn thực hiện được những việc sau:
- Giúp hơn 20 tổ chức cải thiện hoạt động kinh doanh của họ
- Tạo mạng lưới cá nhân gồm các chuyên gia có chuyên môn cao
Bạn nên tìm hiểu càng nhiều càng tốt về việc tối ưu hóa và cải thiện hoạt động kinh doanh của công ty, cũng như những điều thiết yếu trong việc điều hành một công ty.
12. Nguyện vọng nghề nghiệp của bạn là gì?
Tương tự với câu hỏi trên, người phỏng vấn muốn khám phá xem liệu vị trí này có thực sự phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp cuối cùng của bạn hay không.
Vì vậy, bạn nên nói về mục tiêu và tham vọng của mình và lý do tại sao công việc mà bạn ứng tuyển tại công ty sẽ giúp bạn hiện thực hóa mục tiêu nghề nghiệp.
13. Điều gì khiến bạn trở nên đặc biệt?
Bạn hãy cho nhà tuyển dụng một lý do để chọn bạn thay vì những ứng viên tương tự khác. Điều quan trọng là câu trả lời của bạn cần phù hợp với vị trí công việc mà bạn đang ứng tuyển.
Bạn có thể tận dụng cơ hội này để thể hiện với nhà tuyển dụng điều gì đó giúp bạn có lợi thế hơn so với các ứng viên khác cho vị trí này.
Bạn nên tập trung vào một hoặc hai điều thật sự đặc biệt và đừng quên nêu ra một số dẫn chứng để chứng minh cho điều bạn nói.
14. Tôi nên biết điều gì không có trong sơ yếu lý lịch của bạn không?
Câu hỏi này có thể được coi là một dấu hiệu tốt khi nhà tuyển dụng quan tâm đến nhiều thứ hơn những gì mà bạn thể hiện trong sơ yếu lý lịch của mình.
Điều đó có nghĩa là họ đã xem sơ yếu lý lịch của bạn, nghĩ rằng bạn có thể phù hợp với vị trí này và muốn biết thêm về bạn.
Với câu hỏi mở này, bạn hãy thử nói về một đặc điểm tích cực, một câu chuyện hoặc chi tiết tiết lộ thêm một chút về bạn và trải nghiệm của bạn, hoặc một sứ mệnh hay mục tiêu khiến bạn hào hứng với vai trò trong công ty này.
15. Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?
Đây có thể nói là một trong những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn xin việc có thể bắt gặp trong hầu như tất cả các cuộc phỏng vấn.
Bạn sẽ có rất nhiều cách trả lời đúng, nhưng đừng nên trả lời là: “Không, tất cả đều tốt! Cảm ơn, tôi không có câu hỏi nào.”
Thay vào đó, với câu hỏi này, bạn hãy thể hiện sự nhiệt tình của mình đối với công ty. Bạn hãy thử tưởng tượng nhà tuyển dụng đã thuê bạn và bạn sẽ bắt đầu vào ngày mai - Bạn muốn biết gì về họ?
Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng các câu hỏi không nên quá dễ dàng. Hãy cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn thực sự quan tâm đến việc làm việc cho họ, đây là cơ hội để bạn thực sự tìm hiểu thêm thông tin chi tiết về công ty này.
16. Những tháng đầu tiên của bạn sẽ như thế nào khi đảm nhận vai trò này?
Với câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn biết rằng: Liệu bạn đã thực hiện nghiên cứu, tìm hiểu về công việc của mình hay chưa nhằm đánh giá tính chủ động trong công việc của ứng viên.
Vì vậy, bạn hãy nghĩ về những thông tin và khía cạnh nào đó của công ty mà bạn cần phải có. Bạn cũng có thể đề xuất một dự án khởi đầu khả thi để cho thấy bạn đã sẵn sàng bắt tay vào thực hiện ngay sau khi được tuyển dụng.
Đây không nhất thiết phải là việc bạn làm đầu tiên nếu được nhận, nhưng một câu trả lời hay cho thấy rằng bạn đã nghiêm túc tìm hiểu về công việc mà mình ứng tuyển.
17. Mức lương bạn mong muốn là bao nhiêu?
Đây luôn là một câu hỏi khó. Bạn không muốn hạ thấp giá trị bản thân, nhưng đồng thời, bạn cũng không muốn bị nói “Không” vì bạn đã đưa ra một mức lương “Không hợp lý”.
Để trả lời câu hỏi này bạn hãy tìm hiểu 3 yếu tố sau:
- Mức lương trung bình cho một người có trình độ kỹ năng như bạn là bao nhiêu?
- Công ty trả bao nhiêu cho nhân viên có trình độ kỹ năng như của bạn?
- Cuối cùng, bạn được trả bao nhiêu ở công ty hiện tại?
Trong hầu hết các trường hợp, bạn có thể thương lượng mức tăng lương từ mức bạn hiện đang nhận.
Con số cuối cùng bạn cho nhà tuyển dụng biết nên bao gồm cả 3 yếu tố được đề cập ở trên.
Theo nguyên tắc chung, bạn có thể đưa ra 2 con số: “mức lương tốt” và “mức lương tốt nhất”
- Hãy trả lời người phỏng vấn mức lương “tốt nhất” của bạn và trong trường hợp xấu nhất, họ sẽ thương lượng lại.
- Hoặc, bạn cũng có thể trả lời bằng một phạm vi khoảng mức lương nào đó và rất có thể họ sẽ chọn số ở giữa
18. Tại sao bạn lại chuyển việc nhiều lần như vậy?
Nếu bạn chuyển việc trong một khoảng thời gian rất ngắn (từ 2 vị trí toàn thời gian trở lên trong 1 năm), người phỏng vấn chắc chắn sẽ hỏi về điều đó bởi sự gắn bó trong công việc là yếu tố quan trọng cần quan tâm đối với các nhà quản lý nhân sự.
Khi bạn chuyển việc trong thời gian ngắn, nhà tuyển dụng hoàn toàn có thể nghĩ đến những lý do sau:
- Bạn có thể là một người nhảy việc: Một số người có xu hướng chuyển việc ngay khi họ nhận được mức lương cao hơn.
- Bạn có thể không đủ tiêu chuẩn cho công việc và bạn nghỉ việc vì không thể hoàn thành công việc.
- Bạn dễ dàng cảm thấy buồn chán và giải pháp cho điều đó là bỏ cuộc.
Vì vậy, mục tiêu của bạn khi trả lời câu hỏi này là thuyết phục người phỏng vấn rằng bạn không thuộc bất kỳ loại nào trong 3 loại trên.
Bạn cần khiến cho nhà tuyển dụng nhận ra rằng bạn sẽ không bỏ việc vài tháng sau khi được tuyển dụng chỉ vì một nhà tuyển dụng nào đó đã dành cho bạn với lời đề nghị hấp dẫn hơn.
Cách tốt nhất để bạn trả lời câu hỏi này là giải thích lý do bạn chuyển việc. Các lý do có thể là một trong những điều sau đây:
- Văn hóa công ty không phù hợp. Điều này xảy ra với những người giỏi nhất trong chúng ta - đôi khi, công ty cũ không phải là công ty phù hợp.
- Mô tả về công việc gây hiểu lầm và cuối cùng bạn đã làm điều gì đó mà bạn không thích hoặc không đúng chuẩn mực.
- Bạn nhận ra rằng đơn giản là bạn không thích công việc này và sẵn sàng thử điều gì đó khác biệt.
19. Tại sao bạn lại thay đổi con đường sự nghiệp của mình?
Nếu gần đây bạn đã thay đổi con đường sự nghiệp của mình, người phỏng vấn chắc chắn sẽ hỏi về điều đó.
Khi được nhà tuyển dụng hỏi câu hỏi này, tất cả những gì bạn phải làm là trả lời trung thực. Giải thích tại sao công việc cũ không dành cho bạn và công việc bạn đang ứng tuyển lại thú vị hơn nhiều.
20. Tại sao bạn quyết định rời bỏ công việc trước đây/hiện tại?
Khi hỏi câu hỏi này, người phỏng vấn muốn tìm hiểu: Bạn có lý do chính đáng để rời bỏ công việc cuối cùng của mình không?
Ví dụ:
Tôi cảm thấy đã đến lúc - khi mà công việc cũ đã trở nên đơn điệu và không có sự phát triển nữa. Tôi đã học được nhiều điều ở vị trí này đồng thời có được những kết quả đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng đã đến lúc nên chuyển sang một cái gì đó mới và có cơ hội phát triển tốt hơn.
21. Bạn cảm thấy thế nào khi làm việc cuối tuần hoặc làm việc muộn?
Bạn sẽ được hỏi câu hỏi này vào một trong 2 trường hợp sau:
- Bạn đang ứng tuyển vào một công việc đòi hỏi phải làm việc ngoài giờ.
Trong trường hợp này, câu trả lời của bạn có thể dễ dàng nói rằng vì bạn đang ứng tuyển cho một công việc như vậy nên bạn sẽ không gặp vấn đề gì khi làm việc ngoài giờ.
- Bạn đang nộp đơn cho loại công việc có giờ cố định
Nếu rơi vào trường hợp này, nhà tuyển dụng chỉ đang đánh giá khả năng cống hiến của bạn hay họ đang tìm kiếm một người sẽ làm việc 24/7 mà không phải trả lương làm thêm giờ?
Trong trường hợp này, bạn hãy thể hiện rằng sẵn sàng làm việc ngoài giờ, nhưng cũng đừng quên đặt ra giới hạn rõ ràng và cho nhà tuyển dụng biết rằng bạn có những cam kết khác trong cuộc sống ngoài công việc.
22. Làm thế nào để bạn đối phó với áp lực hoặc tình huống căng thẳng?
Nếu bạn đang nộp đơn xin một công việc áp lực cao, chắc chắn bạn sẽ được hỏi câu hỏi này.
Mục đích của câu hỏi này là để xem liệu bạn có phải là kiểu người có thể “sống sót” khi làm việc dưới áp lực hay khi rơi vào tình thế khó khăn, thử thách trong công việc hay không.
Bạn có thể trả lời rằng có, bạn có thể đối phó tốt trong những tình huống áp lực và bạn nên nêu ra 1-2 ví dụ về một tình huống mà bạn đã thể hiện tốt dưới áp lực công việc.
23. Bạn có nghĩ có sự khác biệt giữa làm việc chăm chỉ và làm việc thông minh không?
Làm việc chăm chỉ nghĩa là bạn sẵn sàng bỏ ra rất nhiều công sức để hoàn thành công việc.
Mặt khác, làm việc thông minh có nghĩa là bạn thực hiện công việc một cách hiệu quả. Nếu bạn cố gắng hoàn thành công việc trong 2 giờ thay vì 5 giờ với cùng kết quả thì bạn đang làm việc thông minh.
Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng bằng cách hỏi câu hỏi này, người phỏng vấn đang muốn hiểu cách làm việc của bạn như thế nào. Có nghĩa là họ đang tìm kiếm sự kết hợp lành mạnh của cả hai chứ không chỉ một khía cạnh chăm chỉ hay thông minh.
Nhà tuyển dụng mong muốn tuyển dụng một ứng viên không chỉ suy nghĩ thông minh mà còn làm việc chăm chỉ. Vì vậy, câu trả lời của bạn ở đây không nên phiến diện như: “Ồ, tôi thích làm việc thông minh. Hoặc chăm chỉ sẽ giải quyết được mọi vấn đề”.
Thay vào đó, bạn hãy giải thích cách bạn vượt trội ở cả hai lĩnh vực:
Ví dụ:
Tôi không có sở thích đặc biệt nào - Tôi tin rằng cả làm việc chăm chỉ và thông minh đều quan trọng để đạt được kết quả tốt nhất.
Một mặt, công việc thông minh cho phép bạn tìm ra cách tốt nhất và hiệu quả nhất để hoàn thành công việc.
Mặt khác, làm việc chăm chỉ có nghĩa là bạn sẽ làm tốt công việc. Ngay cả khi không có cách nào để làm việc đó một cách thông minh và hiệu quả, bạn vẫn sẵn sàng bỏ ra nhiều giờ làm việc để hoàn thành nó.
Tôi là kiểu người làm được cả hai điều đó. (Đưa ra một số dẫn chứng cụ thể).
24. Bạn thích ứng với công nghệ mới nhanh đến mức nào?
Ngày nay, cho dù bạn đang xin việc ở bất kỳ lĩnh vực nào, bạn sẽ cần phải sử dụng công nghệ ít nhất ở một mức độ nào đó.
Việc một công ty áp dụng công nghệ mới, ví dụ như ki-ốt tự thanh toán, phần mềm quản lý khách hàng và bất kỳ thứ gì khác là điều rất bình thường.
Vì vậy, bạn nên tiếp thu công nghệ mới càng sớm càng tốt. Để bất kỳ thay đổi mới nào sẽ không làm gián đoạn hoàn toàn công việc của bạn.
Vì vậy, khi trả lời câu hỏi này, bạn nên nói về mức độ hiểu biết về công nghệ của mình. Đồng thời, bạn nên thể hiện sự tích cực học hỏi nếu trong trường hợp bạn không biết rõ về tất cả các công nghệ mà công ty đang sử dụng.
25. Bạn có sở thích nào ngoài công việc không?
Nếu người phỏng vấn hỏi bạn câu hỏi này, hãy coi đó là một dấu hiệu tốt! Bởi điều đó có nghĩa là họ thích nền tảng chuyên môn của bạn và giờ họ chỉ đang cố gắng tìm hiểu thêm về bạn và xem liệu bạn có phù hợp với văn hóa công ty hay không.
Thông thường, bạn sẽ không mắc sai lầm ở đây, trừ khi bạn định trả lời những câu như: “Tôi thực sự không có sở thích nào cả.” hoặc “Tất cả những gì tôi làm là chơi điện tử cả ngày.”
Câu trả lời đúng ở đây là bạn chỉ cần nói về sở thích và mối quan tâm của mình thường ngày. Điểm cộng sẽ là nếu bạn có thể đề cập đến điều gì đó cũng liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển.
26. Bạn nghĩ công ty/tổ chức của chúng ta có thể làm gì tốt hơn?
Mặc dù câu hỏi này không quá phổ biến đối với hầu hết các tổ chức nhưng gần đây lại được nhiều công ty đưa vào buổi phỏng vấn.
Để trả lời câu hỏi này, bạn nên cho nhà tuyển dụng thấy một vài điều rằng bạn thực sự đam mê công ty và đã thực hiện nghiên cứu của mình về công ty đó.
Bạn đừng ngại đưa ra phản hồi dành cho nhà tuyển dụng, tuy nhiên không nên nói thẳng theo cách chỉ trích như: “Sản phẩm của bạn hơi tệ. Chúng có chỗ cần cải thiện như… ?”
Thay vào đó, bạn hãy thể hiện nghiên cứu mà mình đã thực hiện. Bạn hãy nói về bất cứ điều gì có vẻ không phù hợp về sản phẩm hoặc hoạt động kinh doanh của họ với ý nghĩa góp ý mà thôi.
27. Hãy đưa ra một ví dụ về cách bạn đã xử lý một thử thách ở nơi làm việc trước đây
Điều người phỏng vấn muốn biết trong câu hỏi này là bạn xử lý xung đột và khó khăn tốt như thế nào.
Vì vậy, câu trả lời ở đây bạn nên mô tả một thách thức mà bạn gặp phải trong công việc và giải thích cách bạn giải quyết nó.
Ví dụ:
Trong công việc gần đây nhất của tôi với tư cách là chuyên gia Google Ads, một trong những khách hàng của công ty đã vô tình làm mất tài khoản quảng cáo của chính họ. Tôi nhận thấy điều này vào cuối tuần và thấy rằng về cơ bản họ đang lãng phí tiền vào việc chẳng có gì cả.
Tôi đã chủ động liên hệ ngay với khách hàng để thông báo cho họ về vấn đề này. Sau đó, chúng tôi tổ chức một cuộc họp ngẫu hứng vào cùng ngày và sửa chữa tài khoản trước khi có bất kỳ thiệt hại thực sự nào xảy ra.
28. Hãy đưa ra một ví dụ về thời điểm bạn thể hiện tốt dưới áp lực
Đối với yêu cầu này, bạn hãy nêu ra 1 số tình huống công việc áp lực bạn đã gặp phải và cách bạn vượt qua nó như thế nào.
Ví dụ:
Tôi thực sự thể hiện tốt hơn rất nhiều khi chịu nhiều áp lực. Cảm giác cấp bách và quan trọng thực sự thúc đẩy tôi nỗ lực hết mình và đảm bảo mọi thứ diễn ra tốt đẹp.
Khi tôi làm Chuyên viên phân tích tài chính tại [tên công ty], hầu hết công việc đều có áp lực rất cao.
Tôi đã phải vượt lên trên nhiệm vụ của mình để đảm bảo rằng chúng tôi đáp ứng được thời hạn chặt chẽ do khách hàng đặt ra. Điều này thường có nghĩa là tôi cần phải làm việc 12 giờ mỗi ngày và đôi khi làm việc cả cuối tuần để đạt được kết quả tốt nhất.
29. Hãy cho một ví dụ về thời điểm bạn thể hiện phẩm chất lãnh đạo
Bạn hãy nhớ rằng câu hỏi này không nhất thiết có nghĩa là bạn lẽ ra phải giữ một vị trí quản lý.
Điều người phỏng vấn đang yêu cầu là tình huống khi bạn chủ động và lãnh đạo một dự án hoặc một sáng kiến.
Ví dụ:
Là một nhân viên Marketing mới vào nghề, tôi không được kỳ vọng nhiều ở Công ty A. Việc cần làm chính của tôi là nghiên cứu và hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ nào được giao phó.
Trong một buổi brainstorming về nội dung của chiến dịch Marketing sắp tới, tôi đã nảy ra một ý tưởng tuyệt vời để tiếp thị công ty.
Ý chính của nó là, chúng tôi phỏng vấn những khách hàng của công ty đã rất thành công trong việc sử dụng phần mềm, nghiên cứu chính xác những gì họ đang làm và đưa nó vào chiến lược email marketing mới của chúng tôi.
Giám đốc Marketing của tôi đã đánh giá cao ý tưởng này và giao cho tôi phụ trách thực hiện dự án. Cuối cùng, tôi đã thực hiện một cách thành công.
30. Bạn có nghĩ mình thành công?
Câu hỏi này có thể khiến bạn bối rối vì chưa chắc bạn đã có thành công ở vị trí công việc cũ. Nhưng bạn có thể coi đó là cơ hội để người phỏng vấn hiểu bạn hơn và định vị mình là sự lựa chọn tuyệt vời cho công việc này.
Trước hết, hãy chắc chắn rằng bạn nói có! Sau đó, bạn nên chọn một thành tích chuyên môn cụ thể mà bạn tự hào và có thể gắn liền với vị trí bạn đang phỏng vấn—một thành tích thể hiện phẩm chất, kỹ năng hoặc kinh nghiệm sẽ giúp bạn vượt trội ở câu hỏi này.
Bạn sẽ giải thích lý do tại sao bạn coi đó là một thành công, bạn hãy nói về quá trình bên cạnh kết quả và nêu bật thành tích của bản thân mà không quên đội ngũ của mình (nếu đó là hoạt động nhóm).
Một số lưu ý khi chuẩn bị câu trả lời cho các câu hỏi phỏng vấn
Dưới đây là một số lưu ý nhỏ mà bạn cần quan tâm khi chuẩn bị câu trả lời cho những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn xin việc.
- Tránh học thuộc lòng câu trả lời: Bạn hãy chuẩn bị ý tưởng chính cho câu trả lời và tập trình bày theo cách riêng của bạn thay vì học thuộc lòng nhé.
- Trả lời câu hỏi một cách trung thực: Việc bạn nói dối sẽ là một điểm trừ rất lớn nếu nhà tuyển dụng đọc ra được sự không trung thực của bạn. Vì vậy, bạn nên tránh nói dối hoặc phóng đại sự thật trong câu trả lời của mình.
- Luyện tập trả lời câu hỏi: Bạn có thể luyện tập trả lời câu hỏi phỏng vấn với bạn bè hoặc người thân để cảm thấy tự tin hơn khi trả lời các câu hỏi của nhà tuyển dụng.
Với hướng dẫn trả lời những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn xin việc từ IELTS LangGo, Hy vọng bạn có thể tự tin hơn khi phỏng vấn xin việc và sẵn sàng chinh phục vị trí việc làm mong muốn.
Chúc bạn ứng tuyển thành công vào vị trí công việc mơ ước!